Giá đắt gấp hàng chục lần, thương hiệu thời trang non trẻ này đang khiến những ông lớn H&M, Forever 21 thất thế
Thương hiệu thời trang bền vững Reformation sẽ kỷ niệm 10 năm thành lập vào năm nay với những thành tựu ghi nhận không chỉ cho doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa với cả môi trường.
Năm 2019 này, thương hiệu thời trang bền vững Reformation sẽ kỷ niệm tròn 10 năm thành lập. So với những cái tên "đại thủ" như H&M (thành lập năm 1947) hay Forever 21 (ra mắt năm 1984) thì con số 10 năm hẳn là còn khiêm tốn nhưng thương hiệu thời trang nhanh có trụ sở tại Los Angeles này đã sớm trở thành cái tên đình đám, được phái nữ săn đón chẳng kém.
Sứ mệnh xanh trong một ngành công nghiệp ô nhiễm
Có thể bạn chưa biết, công nghiệp dệt may là một trong những ngành phụ thuộc vào chất hóa học nhiều nhất thế giới. 20% lượng nước ô nhiễm trong ngành công nghiệp toàn cầu đến từ việc xử lý vải nhuộm dệt. Chỉ tính riêng các nhãn hàng thời trang nhanh, ước tính những doanh nghiệp này cần 2.650 lít nước để sản xuất một chiếc áo thun cotton.
Trong khi đó, chỉ có 20% trên tổng số vải được tái chế và 80% còn lại sẽ bị chôn dưới bãi rác. Chưa dừng lại ở đó, thời gian để rác thải thời trang tự phân hủy cũng là con số đáng sợ. Đối với áo thun vải vicose là 1-6 tuần, áo vest linen là 2 tuần, vớ cotton từ 1 tuần đến 5 tháng, áo khoác denim là 10-20 tháng, áo len là 1-5 năm, cà vạt ni lông là 30-40 năm. Kinh khủng nhất, túi da mất đến 50 năm và váy polyester phải hơn 200 năm mới phân huỷ hết.
Năm 1999, nhà thiết kế kiêm người mẫu Yael Aflalo bắt đầu tìm hiểu về những tác động tiêu cực của thời trang đến môi trường. Cô trở nên bất mãn và thậm chí đã rời công ty sau khi tận mắt chứng kiến điều kiện sản xuất tồi tệ trong các nhà máy tại Trung Quốc, đồng thời ấp ủ giấc mơ làm thời trang bền vững.
Năm 2009, thương hiệu thời trang bền vững Reformation – đứa con tinh thần của Yael Aflalo chính thức ra mắt với cửa hàng đầu tiên ở Los Angeles. Và trong khi những ông lớn trong ngành thời trang nhanh như H&M hay Forever 21 đang tiếp tục nhận những lời chỉ trích vì đóng góp một phần không nhỏ vào "bãi rác quần áo" trị giá đến 26 tỷ USD mỗi năm thì Reformation hiện được coi là thương hiệu thời trang bền vững thành công nhất mọi thời đại chỉ sau 10 năm thành lập.
Doanh thu ước tính năm 2017 của Reformation là hơn 100 triệu USD và đã huy động được thêm 25 triệu USD sau vòng tài trợ từ series B vào tháng 12 cùng năm. Dù mức giá trung bình cho các sản phẩm của thương hiệu này dao động từ 98 đến 248 USD, đắt hơn rất nhiều so với số tiền tối thiểu 9 USD để sở hữu một chiếc váy sành điệu của H&M nhưng Reformation đang là lựa chọn yêu thích của rất nhiều cô gái, trong đó có cả những người nổi tiếng như Rihanna, Taylor Swift và Karlie Kloss. Người mẫu, thiên thần nổi tiếng của Victori Secret, Karlie Kloss cũng chính là nhà đầu tư từ giai đoạn đầu của Reform
Điều gì đã khiến một thương hiệu non trẻ có thể nhanh chóng trở thành cái tên đi đầu trong giới thời trang bền vững vốn vẫn chưa được phổ biến này?
Nguyên liệu xanh
Những ngày đầu, khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp, Reformation chủ yếu thu thập quần áo cũ và thiết kế lại chúng. Sau đó, khi quy mô tăng dần và doanh nghiệp đã đủ lớn, họ bắt đầu mua các nguyên liệu bền vững đồng thời vẫn duy trì sử quần áo, vải cũ, thừa (deadstock).
Mục tiêu hiện tại của Reformation là tái chế 100.000 sản phẩm may mặc vào năm 2019. Chia sẻ với Business Insider, một phát ngôn viên của công ty cho biết họ đã tái chế 66.119 sản phẩm may mặc chỉ trong quý đầu tiên.
Kinh doanh xanh
Được biết, 80% doanh thu của thương hiệu 10 năm tuổi này đến từ hoạt động thương mại điện tử, phương thức kinh doanh giúp tiết kiệm đáng kể chi phí cũng như năng lượng.
Trong khi đó, các cửa hàng offline cũng thể hiện tối đa nỗ lực "sống xanh" với môi trường như sử dụng đèn LED và nội thất cũ,... Từ móc treo quần áo đến băng dính đều được có nguồn gốc từ chất kết dính sinh học, không độc hại.
Còn túi đựng đồ thì sao? "Bao bì của Reformation được làm từ 100% các sản phẩm giấy tái chế và các vật liệu sinh học có thể phân hủy, vì vậy nó sẽ tan rã và hoàn toàn quay trở lại Trái đất giống như chất thải hữu cơ, không để lại hóa chất độc hại.", Kathleen Talbot, phó chủ tịch hoạt động và phát triển bền vững của Reformation chia sẻ.